Trên tổng diện tích xây dựng là 9 hecta, Kim Điện có cổng chính hướng về Quảng trường Đại Nam, nay là Hoa viên Quan Thế Âm Bồ Tát. Quảng Trường Đại Nam đã từng đón tiếp hàng ngàn du khách đến tham dự các chương trình lễ hội với sân khấu nhạc nước hoành tráng – nơi đã từng diễn ra những Chương trình ca nhạc, Lễ hội tầm cỡ quốc gia; tiêu biểu như Lễ Chào mừng Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc – VESAK diễn ra vào ngày 05/05/2008; đã đón tiếp hơn 60.000 Tăng, Ni, Phật tử từ khắp nơi trên cả nước hoặc những đêm hội chính tại Khu Du Lịch Đại Nam, … Không những thế, tại đây cũng đã từng diễn ra 2 màn trình diễn pháo hoa đặc sắc vào ngày Quốc tế Lao động 01/05/2010 và ngày Quốc Khánh 02/09/2010.
Kim Điện có điểm nhấn nổi bật là các pho tượng thờ, phù điêu và các vật dụng thờ cúng được dát vàng 24K. Kim Điện cũng được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là Ngôi đền lớn nhất Việt Nam vào ngày 15/08/2007.
Chính điện của Đền thờ Đại Nam có 3 pho tượng thờ là: Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Tổ phụ Hùng Vương và Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Bên trái điện là trang thờ: Mẹ Âu Cơ, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Bách Gia Trăm Họ với 1068 dòng họ của 54 dân tộc Việt Nam. Bên phải điện là trang thờ: 18 đời Vua Hùng Vương, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và bàn thờ 4 vị: Thần Tài – Thổ Địa – Thành Hoàng – Tổ Đức.
Các pho tượng bên trong Kim Điện đều được làm bằng chất liệu nhẹ và bền, đó là composite và sợi thủy tinh. Hầu hết các pho tượng bên trong Kim Điện đều được dát vàng 24K bên ngoài.
Xem thêm: Tham quan khám phá Vườn thú Đại Nam
Kim Điện được xây dựng theo mô-típ vuông tròn. Mái vòm hình tròn biểu trưng cho Trời có vẽ 108 con chim hạc với ý nghĩa: 54 con hạc bay thuận chiều kim đồng hồ tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam ở cõi trần, 54 con hạc bay ngược chiều kim đồng hồ tượng trưng cho 54 dân tộc ở cõi âm (bởi theo quan niệm dân gian, hạc là con vật tượng trưng cho sự vĩnh cửu, lại có âm dương kết hợp hài hòa sẽ tạo nên sự phát triển trường tồn bền vững). Chính giữa của mái vòm là điểm vọng âm. Đứng tại điểm vọng âm, âm thanh sẽ được khuếch đại và truyền đi khắp Kim Điện.
Hình vuông được thể hiện qua 4 vách của đền thờ, bao gồm 28 bộ cánh cửa với mỗi cánh cửa cân nặng 500 kg. Trên nền 28 bộ cửa được chạm trổ 28 bộ tranh lịch sử tiêu biểu, đánh dấu các mốc son lịch sử của Việt Nam bắt đầu từ Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 – 43 sau Công Nguyên, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí năm 542, … cho đến thời kỳ hiện đại như Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự kiện Bác Hồ đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại Quảng Trường Ba Đình ngày 02/09/1945. Nối tiếp đó là những thành công khác như Trận Điện Biên Phủ năm 1954, Trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và kết thúc bằng thắng lợi rực rỡ mùa xuân lịch sử 30/04/1975. Các cuộc khởi nghĩa thể hiện sự anh dũng của một dân tộc luôn đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân tộc.
Bên trong Đền Đại Nam có đặt hai cây nến với tên gọi Đại Hoàng Đăng, mỗi cây có chiều cao 2,7 m, đường kính 90 cm, được dự đoán có thể cháy trong suốt 1000 năm, với ý nghĩa luôn soi sáng con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam. Lối kiến trúc dân gian kết hợp thể hiện vẻ đẹp quy tụ của tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng; của Tứ Quý: Mai – Lan – Cúc – Trúc, và đặc biệt tôn vinh vẻ đẹp của hoa sen – loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao, thuần khiết.
Vào ngày 01/07/2010 (nhằm ngày 20 tháng 05 năm Canh Dần), ông Huỳnh Uy Dũng đã vinh dự thỉnh về được 2 viên Xá Lợi Phật (Xá Lợi Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ). Đến ngày 13/07/2010 (nhằm ngày 2 tháng 6 năm Canh Dần), ông đã an vị 2 viên Xá Lợi Phật vào thờ tại Tháp Lưu Ly ngay trong Kim Điện.
Bên cạnh những nét nổi bật của Kim Điện, Khu Thờ Tự còn thu hút du khách bởi khung cảnh đậm nét thiên nhiên có sự kết hợp độc đáo của núi, non, sông, hồ, cây cảnh. Dãy núi Ngũ Hành Sơn hay còn gọi là Bảo Sơn bao gồm 5 ngọn: Kim –Mộc –Thủy –Hỏa –Thổ, ngọn trung tâm cao 65,8m. Trước khi vào bên trong dãy Bảo Sơn, du khách sẽ được ngắm nhìn một quần thể thắng cảnh hùng vĩ bao quanh dãy núi Ngũ Hành. Trấn giữ ở phía tây của dãy Ngũ Hành Sơn là thần Bạch Hổ, phía Đông là Thần Núi và Thần Nông. Và đặc biệt, dãy núi Ngũ Hành là nơi cư trú của hàng ngàn con chim yến, biểu hiện của một vùng “Đất lành chim đậu”.
Vươn lên từ ngọn núi trung tâm Bảo Sơn là ngôi Bảo Tháp 9 tầng. Đây là nơi thờ phụng tâm linh và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn và sự tôn vinh của thế hệ sau đối với tiền nhân. Mỗi tầng của tháp là nơi thờ phụng với những ý nghĩa khác nhau:
1. Tầng một là nơi thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn.
2. Tầng hai là nơi thờ các chiến sĩ vô danh đã quên thân vì nước.
3. Tầng ba là nơi thờ đại anh hùng dân tộc Việt Nam – Hồ Chí Minh.
4. Tầng bốn là nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
5. Tầng năm Thờ các vị nữ trung hào kiệt từ thời dựng nước tới nay, tượng trưng là các vị nữ anh hùng như: Trưng Trắc – Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân và Nguyễn Thị Định.
6. Tầng sáu là nơi thờ các vị có công với đất nước đã được phong thần.
7. Tầng bảy là nơi thờ 18 đời vua Hùng.
8. Tầng tám thờ tam cõi hội đồng bao gồm: Hội đồng chư Phật, Hội đồng Tứ Phủ và Hội Đồng Đất nước từ ngày dựng nước.
9. Tầng chín là nơi thờ Tổ Quốc.
Đứng từ tầng thứ 9 của Bảo Tháp, du khách có thể nhìn bao quát toàn cảnh Khu Du Lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến.
Bảo Tháp.
Hướng Đông và Tây của Đền Đại Nam được trấn giữ bởi hai bậc thiên tài quân sự trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt trấn ở hướng đông và vua Quang Trung Nguyễn Huệ trấn ở hướng tây.
Nhìn về Hướng Nam – Hướng Cổng chính của Khu Kim Điện là một Hồ Ngọc Bích với diện tích 2,7 ha có dòng nước trong xanh như màu ngọc lục bảo kết hợp với những ốc đảo nên thơ hữu tình.
.
Đền Đại Nam là cụm công trình có giá trị tôn vinh, vọng ngưỡng tinh hoa của 4000 ngàn năm văn hiến của dân tộc và ghi dấu những mốc son rạng ngời trong lịch sử Việt Nam. Đây một địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh mà du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến tỉnh Bình Dương.